Lê Linh Long

Perry the platypus …

Lê Linh Long - Perry the platypus  …

Chưa có nhiều dịch vụ nên khó kích cầu IPv6

Chưa có nhiều dịch vụ nên khó kích cầu IPv6

Bên cạnh những trở ngại về thiết bị đầu cuối, việc chưa có nội dung, dịch vụ khác biệt so với IPv4 cũng là nguyên nhân khiến người dùng còn thờ ơ và doanh nghiệp vẫn coi IPv6 là câu chuyện ở “thời tương lai”.

Tại Hội thảo “IPv6, công nghệ và ứng dụng với Việt Nam” ngày diễn ra ngày 31/5, ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam-VNNIC (Bộ TT&TT) cho biết, mặc dù trong năm qua, nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp về IPv6 đã được cải thiện đáng kể (6 trong tổng số 8 doanh nghiệp Internet có hạ tầng mạng ban hành được kế hoạch hành động chuyển đổi mạng lưới, dịch vụ sang IPv6), việc kết nối, xây dựng mạng thử nghiệm IPv6 quốc gia đã được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, việc duy trì ổn định hoạt động của các kết nối IPv6 cũng như thử nghiệm dịch vụ IPv6 để có lưu lượng truyền tải thực vẫn chưa được doanh nghiệp quan tâm triển khai. Tính đến hết năm 2011, có 6 nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) có kết nối thuần IPv6 đến mạng IPv6 quốc gia nhưng các kết nối đều chưa được quan tâm duy trì hoạt động ổn định và hầu như không có lưu lượng trao đổi. Mới chỉ có Công ty Netnam được đánh giá là đơn vị nghiêm túc nghiên cứu triển khai IPv6. “Điều đó cho thấy, IPv6 chưa thực sự hiện diện trên mạng Internet ở Việt Nam”, ông Tân cho biết thêm.

Theo ông Tân, một trong những khó khăn dẫn đến việc chậm triển khai IPv6 ở Việt Nam là do khi nguồn IPv4 dần cạn kiệt, các doanh nghiệp chiếm thị phần Internet lớn trong nước đã kịp tích trữ một lượng địa chỉ tương đối lớn nên nhu cầu về nguồn địa chỉ cho các dịch vụ cần IP như xDSL hay 3G chưa cấp thiết. “Chính vì thế, áp lực trước mắt bắt buộc phải chuyển sang sử dụng IPv6 đối với các nhà cung cấp và người dùng cuối chưa cao”, ông Tân nhấn mạnh.

Với tổng lượng địa chỉ IPv4 của Việt Nam có chưa đến 16 triệu địa chỉ và lượng người sử dụng Internet tính đến hiện tại là gần 31 triệu người, thì tỷ lệ sử dụng địa chỉ IP hiện tại ở Việt Nam đã đạt 0,5 địa chỉ IP/người sử dụng. Tỷ lệ này nằm tương đối xa với ngưỡng khuyến cáo (1 địa chỉ IP/người sử dụng). Tuy nhiên, sự tăng trưởng số lượng người sử dụng Internet trong các năm tới sẽ gây áp lực thiếu hụt địa chỉ vô cùng lớn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nếu không kịp triển khai IPv6.

Ông Tân cho rằng, đối lập với gam màu ảm đạm của Việt Nam, bức tranh triển khai IPv6 trên thế giới ghi nhận vô số các khoảng sáng đầy ấn tượng. Cụ thể, tại Nhật Bản, hàng loạt ISP đã cung cấp được các dịch vụ thương mại trên nền IPv6 ra thị trường, trên 35% người dùng FTTH tại Nhật Bản được cung cấp các dịch vụ IPv6, một số nhà cung cấp dịch vụ di động như NTT Docomo, KDDI đã triển khai dịch vụ IPv6 trên nền hạ tầng mạng 3G. Tại Đài Loan, dịch vụ thương mại trên nền IPv6 được cung cấp từ năm 2011, hiện 95% trường học có kết nối Internet hỗ trợ cả IPv4 và IPv6, 68% lớp học được triển khai dịch vụ VoIP (điện thoại Internet) trên nền IPv4/IPv6.

Sẽ ưu đãi thuế cho sản phẩm chuyển đổi IPv6

Trao đổi với phóng viên ICTnews, đại diện VNPT cho biết, VDC (VNPT) đã nghiên cứu và thử nghiệm IPv6 từ năm 2003 và đơn vị này cũng đã sẵn sàng cung cấp một số dịch vụ cơ bản trên nền IPv6 cho khách hàng như dịch vụ web, email, FTP, DNS hay dịch vụ đường truyền Internet cố định. Mặc dù vậy, theo đại diện VNPT, trở ngại lớn nhất chính là việc thiết bị đầu cuối của khách hàng đang sử dụng chưa hỗ trợ IPv6 và việc triển khai đào tạo cán bộ để có thể thông thạo đồng thời hệ thống IPv4 và IPv6.

“Thời gian tới, VNPT sẽ triển khai dịch vụ IPv6 cho một số khách hàng để từ đó có thể đánh giá, nghiên cứu triển khai trên diện rộng và để đến năm 2020, toàn bộ khách hàng của VNPT có thể tương tích hoàn toàn với IPv6”, đại diện VNPT khẳng định.

Bên cạnh đó, theo đại diện FPT Telecom, do phần lớn nội dung trên Internet hiện nay tập trung ở Mỹ mà nước này lượng địa chỉ IPv4 còn rất nhiều nên họ chưa có nhu cầu cấp thiết phải chuyển ngay sang IPv6 như ở Việt Nam. Vì thế, lượng nội dung trên nền IPv6 hiện nay chưa nhiều dẫn đến người dùng không có nhu cầu sử dụng và doanh nghiệp cũng chưa thể thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang IPv6.

Đại diện VNPT dẫn chứng, nếu các website của Google chuyển toàn bộ sang sử dụng dịch vụ IPv6 thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ buộc phải thúc đẩy nhanh sang địa chỉ IPv6, nhưng nếu Google vẫn chạy song song IPv4/IPv6 thì “mình chưa nhất thiết phải chuyển đổi ngay” để tránh ảnh hưởng đến hệ thống và khách hàng sử dụng dịch vụ.

Cùng quan điểm với VNPT và FPT Telecom, ông Hà Minh Tuấn, Phó Giám đốc Viettel Network cũng cho rằng, dù 100% hạ tầng của Viettel đã sãn sàng cho IPv6 nhưng thiết bị đầu cuối của khách hàng và nội dung trên nền IPv6 là những vấn đề lớn nhất để triển khai IPv6. Chính vì thế, việc hỗ trợ IPv6 là yêu cầu bắt buộc của Viettel đối với các thiết bị mà đơn vị này sản xuất (USB 3G, máy tính…) cũng như các thiết bị đầu cuối cung cấp cho khách hàng (modem…) khi lắp đặt mạng Internet. Ngoài ra, Viettel cũng có các chính sách khuyến khích, hợp tác với các nhà cung cấp nội dung (CP) để đưa ra các dịch vụ, nội dung trên nền IPv6.

Ông Tuấn cũng kiến nghị cơ quan quản lý nên đưa nội dung nghiên cứu, sản xuất thiết bị IPv6 vào kế hoạch hành động quốc gia.

Đối với vấn đề thiết bị đầu cuối, ông Tân cho biết, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang IPv6, sắp tới, bên cạnh việc tăng cường hợp tác quốc tế, tăng cường hội thảo để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý sẽ xem xét việc đưa danh mục thiết bị, phần mềm hỗ trợ chuyển đổi IPv6 vào danh mục thiết bị công nghệ cao, hưởng ưu đãi về chính sách thuế của Nhà nước cho lĩnh vực công nghệ cao.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định về hợp quy thiết bị đầu cuối theo chuẩn IPv6 tiến tới xây dựng một lộ trình, quy định thời điểm bắt buộc các thiết bị sản xuất trong nước, nhập khẩu vào Việt Nam phải thực hiện hợp chuẩn theo chuẩn IPv6. Đồng thời phổ biến cho các nhà sản xuất, cung cấp thiết bị tại Việt Nam như Huawei, ZTE, Ericsson… để thông tin cho các đối tác về tình hình triển khai IPv6, tạo được sự hỗ trợ cao nhất từ phía đối tác phục vụ cho quá trình chuyển đổi IPv6.

Nguồn Việt Báo (Theo ICTNews)

… by GLTEC MultiSite

Category: GLTEC News